Kỳ vọng và cam kết từ một đội ngũ làm báo

Nhà báo Thu An đọc bài thơ Hãy Đốt trong buổi giao lưu chiều 26-8-2015 tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Ảnh: L.Điền

Nhà báo Thu An đọc bài thơ Hãy Đốt trong buổi giao lưu chiều 26-8-2015 tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Ảnh: L.Điền

Từ khoa Báo Chí trường KHXH&NV TPHCM đến, cô giảng viên Hoàng Khuyên nhấn mạnh rằng tuổi trẻ bước vào tuổi 40 là một sự kiện đáng kể. “Bởi nếu chúng ta để ý, sẽ thấy trong thời Pháp thuộc, có đến 80% báo chí quốc ngữ không thọ quá ba năm. Vậy mà Tuổi Trẻ nay đã là tờ báo ra liên tục bốn mươi năm, tuổi thọ báo chí Việt Nam tăng lên rất nhiều trong thời kỳ này nói lên được nhiều điều…”

Và quả thật, câu chuyện giao lưu giữa bạn đọc và đại diện đội ngũ làm báo ở Tuổi Trẻ chiều 26-8 nhân dịp giới thiệu ra mắt 3 ấn phẩm kỷ niệm 40 năm Báo Tuổi Trẻ cũng đã chạm vào rất nhiều điều đáng suy nghĩ.

Đại diện nhóm thực hiện sách, PGS. TS Hà Minh Hồng giới thiệu quyển “Báo Tuổi Trẻ 40 năm hình thành và phát triển”, nhà báo Thu An với quyển “Báo Tuổi Trẻ đã viết” và nhà báo Dương Thành Truyền với quyển “Chuyện nghề chuyện người”. Bạn đọc hình dung đây là loạt sách kỷ niệm một chặng đường quan trọng của báo Tuổi Trẻ, được tổ chức công phu bởi việc biên soạn sách đã bắt đầu từ tháng 9 năm 2013. Thú vị hơn, những ấn phẩm lần này của Báo Tuổi Trẻ không những phản ánh lịch sử hình thành của một tờ báo, mà qua đó bạn đọc còn tìm thấy những chuyển biến trong đời sống kinh tế văn hóa xã hội của TPHCM và cả nước qua lăng kính của Báo Tuổi Trẻ.

Trong phần giao lưu, một sinh viên báo chí năm thứ 2 đặt câu hỏi với nhà báo Thu An rằng nếu so những bài báo nổi bật trên Tuổi Trẻ hiện nay với những bài báo nổi bật trên Tuổi Trẻ trước đây, thì có những giống và khác nhau như thế nào? Đây thực sự là một câu hỏi “có lý luận”, và trong phần trả lời, chị Thu An đã chia sẻ những quan điểm làm báo và lý tưởng nghề nghiệp được thống nhất trong đội ngũ những người làm báo Tuổi Trẻ. “Đó chắc chắn là điểm giống nhau” – nhà báo Thu An khẳng định – trong tất cả thời kỳ làm báo, chúng tôi đều dấn thân vì lý tưởng rằng làm báo để cuộc đời được tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Chúng ta viết điều tra nhưng không phải mục đích để “đánh đấm” ai đó, mà vì phải nói cái xấu để cái tốt được nhân lên trong cuộc sống này. “Và sự thật là chúng tôi nhận được nhiều sự đồng cảm nhất từ bạn đọc mỗi khi trên báo có bài phản ánh các đề tài nhân văn nhân ái”, chị Thu An tâm sự.

Điểm giống nhau tiếp theo chính là trách nhiệm đối với sản phẩm của mình, như tránh sai sót. Mình sai một chi tiết thì cải chính một chi tiết, nhưng bài báo của mình có khi giết chết cả sự nghiệp người ta, mình có cải chính cũng không cứu được. “Điều này thì thời nào cũng vậy”, chị Thu An nhấn mạnh.

Còn sự khác nhau giữa các thời kỳ cũng không ít, nhà báo Thu An liệt kê ra một loạt những thay đổi trong môi trường làm báo từ kỹ thuật tác nghiệp, dòng chảy thông tin đa phương tiện, từ mạng xã hội phát triển… đã khiến cuộc sống đổi thay nhanh hơn, thông tin nhiều hơn đòi hỏi sự chọn lọc thông tin cần tỉnh táo để không bị cuốn vào các “kênh” truyền thông đang ngày một tăng nhanh bủa vây người làm báo và công chúng. Trong môi trường hiện nay, người làm báo dễ bỏ qua những chi tiết xúc động từ cuộc sống, mà phải có những chi tiết ấy, bài báo mới có hồn, mới có thể làm rung động lòng người.

Chia sẻ với ý này, nhà báo Lưu Đình Triều – người quán xuyến công việc biên soạn 3 ấn phẩm của Tuổi Trẻ – cũng cho rằng độ cảm nhận của nhà báo là rất quan trọng, bởi đó chính là lời réo gọi mình xốc tới, dấn thân vào cuộc sống để có được những tác phẩm báo chí đích thực. Nhà báo Dương Thành Truyền cũng dẫn một ý của nhà báo Kim Hạnh, rằng làm báo không phải chỉ mưu sinh mà là lý tưởng. Nhà báo mang lý tưởng nghề nghiệp ấy đi “thu phục” bạn đọc của mình.

Cũng trong tâm trạng kỳ vọng vào sự phát triển của Tuổi Trẻ, thầy giáo Vũ Hải Sơn cho biết anh đã theo dõi báo Tuổi Trẻ từ ngày còn là bản tin của Thành Đoàn cho mãi đến hôm nay, và thẳng thắn đặt câu hỏi rằng, tại sao giai đoạn này báo Tuổi Trẻ không còn rực rỡ như giai đoạn trước nữa, và các cây bút của Tuổi Trẻ cũng không còn sắc sảo nữa? Điều này được nhà báo Lưu Đình Triều chia sẻ rằng cảm nhận sự rực rỡ như cách nói trên có thể khác nhau giữa mỗi người. Và rằng sự phát triển của báo chí bây giờ đã bị yếu tố đa truyền thông chi phối, nên cảm giác về một “sự rực rỡ” đối với ấn phẩm báo chí nào đó hiện nay chắc chắn sẽ không giống như cảm xúc vào thập niên 80-90 thế kỷ trước. “Cá nhân tôi thấy báo Tuổi Trẻ vẫn đang phát triển rực rỡ, nhưng tất nhiên cũng cần nhiều hơn những bài viết đi vào lòng người, người làm báo phải đặt mình nhiều hơn vào vị trí của người đọc…”

Buổi giao lưu không còn là dịp giới thiệu sách, mà cả bạn đọc và những người đại diện báo Tuổi Trẻ gặp nhau trong một niềm tâm sự chung: cùng hướng đến trách nhiệm cụ thể của báo chí với kỳ vọng từ cuộc sống. Thật cảm động khi cụ Nguyễn Thành Địch đã 92 tuổi vẫn đi từ nhà ở quận Tân Bình đến dự giao lưu, lắng nghe PGS. TS. Hà Minh Hồng nói về những thăng trầm của báo Tuổi Trẻ, nghe chị Thu An nói rằng làm báo hiện nay là công nghệ với sự tham gia của nhiều người…, ông đưa tay thắc mắc: “Nếu nói lịch sử báo Tuổi Trẻ có thăng có trầm, vậy hiện nay là đang trầm hay thăng? Nếu nói trầm, thì tôi hoang mang quá, một tờ báo mà trầm thì nguy hiểm lắm… Còn nói làm báo hiện nay là công nghệ thì tôi không hiểu, chẳng lẽ nhà báo là máy móc trong cái công nghệ làm báo hay sao?” Chị Thu An đã vội giải thích để trấn an vị bạn đọc đặc biệt này, rằng “công nghệ” ở đây ý nói là quy trình làm báo chặt chẽ với nhiều người tham gia, chứ không hàm ý công nghệ tức là máy móc.

Chỉ tiếc rằng thời gian một giao lưu có hạn, nhà báo Thu An chuyển lời cuối cho bạn đọc như một lời cam kết: “Hãy tin rằng lý tưởng nghề nghiệp trong chúng tôi không phai nhạt”. Và chị đọc tặng bạn đọc bài thơ chị viết về nghề, bài thơ day dứt, với những câu: “Một mai/ Khi tôi trở về cát bụi/ Hãy đốt cho tôi/ Một tờ báo mới/ Sóng sánh những dòng tin nóng hổi…”. Vâng, cuộc sống vẫn còn chờ đợi tất cả chúng ta, từ những kỳ vọng và cam kết đầy tin yêu như thế này.

Lam Điền

1 bình luận (+add yours?)

  1. dothuvan
    Th8 31, 2015 @ 16:22:29

    Reblogged this on Do have me with flaws. and commented:
    40 năm Tuổi Trẻ và về chuyện làm báo ở Việt Nam.

    Trả lời

Bình luận về bài viết này

Midori Sora

the spring drops on your eyelid

HỒ SƠ VĂN HỌC

Tìm lại di sản

Khải Đơn

Thời gian trên đường

Xứ Nẫu

Nơi gặp gỡ những người yêu xứ Nẫu

WordPress.com

WordPress.com is the best place for your personal blog or business site.