Gặp lại quyển sách từ năm 7 tuổi

Chèo bẻo đánh quạ

Sáng nay chèo bẻo từ Giao Chỉ mới vào thấu Phù Nam, hehe

Đây là quyển sách mang cả một phần trời tuổi thơ nghèo khó mà vui vẻ với chữ nghĩa của mấy chị em nhà mình hồi đó.

Quyển này ra năm 1984, mình mua ngay khi sách vừa về tới cái “Hiệu sách nhân dân huyện Bắc Bình” mà hồi bấy giờ vẫn quen gọi là tiệm sách cô Liên. hehe (À lâu quá sau cái sự cố nhà cô Liên có đến mấy người tự tử rồi cô chuyển đi biệt xứ giờ không biết cô Liên ngày ấy đã lưu lạc tận phương trời nào rồi, huhu).

Bằng một cách nào đó, thường là dành dụm từ những lần được dượng hai cho tiền, mình có ít tiền còm cõi và có dịp là ghé hiệu sách ấy. Mua sách chỉ được nhìn bìa và chọn, không đụng được đến sách, mình có lần nài nỉ cô bán cho quyển phờ ri đê rích ăng ghen, cô kiên quyết không bán, còn quay sang nói với mấy người bạn cô đang ngồi đó rằng: thằng này nhỏ xíu mà cứ đòi đọc sách người lớn.

Thấy hình vẽ trên bìa quyển Chèo bẻo đánh quạ sanh động quá, mình mua ngay. Về đọc thì hóa ra là một bài thơ dài. Lúc đó mình học chừng lớp 2, chưa biết vè là gì, thấy cuối bài có ghi (mà đến nay mình vẫn thuộc lòng): “ghi theo lời kể của cụ Đoàn Văn Tưởng, thôn Đông Sấu, xã Liễu Đôi, huyện Kim Thanh, Hà Nam Ninh“. Dù không biết cái xứ Hà Nam Ninh ở đâu cũng như ông Tưởng là ai, nhưng câu chuyện chèo bẻo đánh quạ này hay, đọc đi đọc lại, thuộc luôn.

Nhớ lúc vừa mua được quyển này, thì thầy Quảng Hiện từ trong nam ra ghé nhà, thầy cầm xem và cười sảng khoái rất đúng kiểu của thầy, rằng: đây là chuyện mấy con chim đánh nhau, hay á.

Và rồi mấy chị em trong nhà mình đều đọc. Lúc đó dưới mình mới chỉ có đứa em gái, vậy mà nó nghe rồi thuộc, lúc đó nó mới bập bẹ đọc chữ, nhưng không hiểu sao em rất có khiếu thẩm vần thơ lục bát. Mình nhớ trong bài vè này đoạn tả con lềnh đềnh có câu “thênh thang trời rộng đất lành/ thế gian mới gọi tên anh lềnh đềnh/ to như cái thúng/ bụng nổi phềnh phềnh/ đố ai bằng kiếp lênh đênh lão này“, thì em mình một hôm bỗng góp ý, chỗ đó câu thơ không đúng vần, lẽ ra nên là “to như thúng, bụng nổi phềnh/ đố ai bằng kiếp lênh đênh lão này”. Mình nghe vậy thấy cũng có lý, nhưng với một đứa em có lời nhận định như vậy mình chẳng mấy để ý. Nhưng không hiểu sao bố mình khi nghe được chi tiết đó thì rất hoan hỷ, ông đánh giá cao sáng kiến góp ý của em gái mình. Theo ông, việc trong một bài vè đã xuất bản nhưng vẫn còn có câu chưa hay để đến như nhỏ em mình sửa được vậy, là chuyện lạ. Mình còn nhớ trong câu chuyện với ông bạn nào đó đến nhà, bố mình có khoe chuyện em mình sửa cái câu ấy, Và ông nhận định về em bằng một ý, rằng sau này có thể làm trợ bút bản đài. Mình lúc đó đương nhiên không biết 4 chữ “trợ bút bản đài” là gì, nhưng việc bố mình đánh giá cao em gái như vậy làm mình nghĩ cái câu chỗ ấy nên sửa, bèn lấy bút bi ghi ra lề trang: “to như thúng, bụng nổi phềnh” thay cho câu trong bản in. Tiếc là sau đó ít lâu bao nhiều biến cố xảy ra làm cái quyển Chèo bẻo đánh quạ của mình tơi tả hay thất tán đâu mất, nên giờ không còn có dịp thấy cái cái dòng bút bi ông anh ghi ý sửa của con em kia nữa. hehe

Thế rồi dọc đường gió bụi mình có ý tìm xem nhưng chẳng gặp được quyển sách từng mua hồi năm 7 tuổi. Cách đây ít lâu trong dịp nào đó có nhắc đến tác phẩm Chèo bẻo đánh quạ này, ý là nếu nhà Kim Đồng tái bản dòng sách này thì cũng hay quá chứ. Riêng quyển Chèo bẻo đánh quạ này không chỉ là một bài vè lý giái việc thù nhau giữa giống quạ và chèo bẻo, mà ẩn chứa trong lời văn mạch truyện còn là những ngụ ý về thế thái nhân tình và tinh thần, cách sống vân vân.

Thế rồi có hảo bằng hữu ở Giao Chỉ để bụng cái ý kia, nên khi tìm thấy thì phát bồ đề tâm gởi vào cho mình quyển sách năm xưa, tuy giấy đen và bị mọt đục, nhưng quý giá vô cùng bởi nó là hiện thân của một thời thơ trẻ khốn khó của mình, lúc bố mình còn sống và rất kỳ vọng vào những đứa con…

[9.3.2023]

#quảng_hương_tùy_bút

P.S.

Bài viết năm xưa đây, quả nhiên quyển vè này ấn tượng với mình sâu đậm quá:

Bình luận về bài viết này

Midori Sora

the spring drops on your eyelid

HỒ SƠ VĂN HỌC

Tìm lại di sản

Khải Đơn

Thời gian trên đường

Xứ Nẫu

Nơi gặp gỡ những người yêu xứ Nẫu

WordPress.com

WordPress.com is the best place for your personal blog or business site.