Phạm Nguyễn Du

Nhà thờ họ Phạm Nguyễn Du, Ảnh: http://vietlandmarks.com

Hồi nhỏ, lần đầu tiên nghe đến cái tên Phạm Nguyễn Du là do đọc trong quyển Chuyện làng văn, có kể câu chuyện một lớp học của thầy đồ Nghệ, một hôm vì phải đi công chuyện chi đó, thầy ra đề cho cả lớp ngồi làm, thầy sẽ vắng mặt ít lâu. Lũ học trò không chịu làm bài mà chạy ra ngoài chơi, thấy cạnh lớp học có ông lão ngày ngày vẫn ngồi đan bồ, bèn sà đến coi. Ông lão bảo, sao không chịu làm bài mà ra đây xem đan bồ, rồi thầy về thầy quở trách làm sao. Bọn nhóc nhao nhao nói thầy ra đề khó lắm, bọn con làm không nổi đâu, đi chơi thôi. Ông lão hỏi vậy chớ đề ra làm sao mà các con bảo khó, bọn nhóc đọc lên rằng: Tại sao nói Lưu Bang sẽ thắng, tại sao biết Hạng Võ sẽ thua. Ông lão nghe xong, mới bảo bọn nhóc đem giấy bút ra ông viết mấy ý rồi theo đó mà làm là được. Bọn nhóc ồ lên, ôi chao, ông lão đan bồ cũng biết chữ há bọn bay. Thế rồi cả bọn đem giấy bút ra, ông lão viết một đoạn thế này (thiệt ra chỉ là một cặp biền ngẫu thôi):

Tam chương sơn Hán ước, Bái Công chi khí tượng tường loan, vô luận Tị thủy long phi, nhi Hán Nghiệp hưng long, dĩ kiến ư Bái Thượng hoàn quân chi nhật;

Ngũ nguyệt hỏa Tần cung, Hạng Võ chi anh hùng ưng chí, vô luận Ô giang mã quệ, nhi Sở đồ thất bại, dĩ kiến ư Hàm Dương khánh tốt chi thu.

Những người soạn sách Chuyện làng văn dịch đoạn trên thế này:

Ước Hán vững ba chương, khí tượng Bái Công như loan phụng, chưa cần nói suối Tị rồng bay, mà nghiệp Hán hưng long, đã thấy lúc về quân Bái Thượng;

Cung Tần đốt năm tháng, anh hùng Hạng Võ giống ưng chiên, chưa cần nói sông Ô ngựa quỵ, mà Sở đồ thất bại, đã thấy khi chôn lính Hàm Dương.

Bọn trẻ thấy văn lão già hay quá, đua nhau chép vào bài, đến chừng thầy đồ trở về, lập tức phát hiện ra là bọn trẻ đã chép của ai đó. Hỏi ra thì học trò bảo do lão già đan bồ ngoài kia làm giúp. Thầy đồ cả kinh, ra thưa hỏi lão già – người mà lâu nay dân trong vùng vẫn gọi là Cố Bồ, mới biết Cố Bồ là Phạm Nguyễn Du.

Mình chỉ biết tới đó, hồi nhỏ sách đâu mà đọc, học trong trường chỉ biết Nguyễn Du, còn Phạm Nguyễn Du cũng đồng hương với Tố Như thì hành trạng ra sao đành chịu.

Đã mấy chục năm, cặp biền ngẫu trên thì mình vẫn nhớ, mà đi lại chẳng thấy sách của Phạm Nguyễn Du. Tình cờ hôm nọ mua được một quyển của ông, là Đoạn trường lục, do Phan Văn Các dịch và giới thiệu.

Mua về giở ra, mới biết Đoạn trường lục là nguyên một tập gồm thơ, văn tế, câu đối do Phạm Nguyễn Du khóc người vợ chết trẻ. Lúc ông làm quan ở Bộ Lại, vợ ông bệnh chết ở kinh đô (Thăng Long), có trối lại là yêu cầu đưa bằng đường thủy về quê an táng. Vợ Phạm Nguyễn Du là Nguyễn Thị Đoan Hương, chị ruột của Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh. Bà làm vợ Phạm Nguyễn Du từ năm 16 tuổi, sống với nhau 13 năm sinh sáu lần chỉ nuôi được hai con. Trong số các câu đối khóc vợ có câu: “Bách niên tằng nhất kỷ hợp hoan, bán kỷ hợp ly tương đối đãi; Vạn lý cẩn tam thanh khốc tống, lưỡng thanh khốc tiếu vị phân minh” (Cuộc đời nàng chỉ có một kỷ sống với chồng, trong đó phân nửa xa chồng phân nửa gần chồng; Đưa tiễn nàng vạn dặm chỉ có ba tiếng khóc, trong đó hết hai tiếng khóc hay cười còn chưa rõ ràng nữa). Như vậy là lúc vợ mất, hai con của Phạm Nguyễn Du còn nhỏ lắm, thông qua hình ảnh “tiếng khóc chưa phân biệt với tiếng cười” mà ông dùng trong câu đối trên.

Trong số các bài thơ của tập Đoạn trường lục, có nhiều bài ông làm trên đường biển đi thuyền đưa quan tài vợ về quê. Đặc biệt có bài “Sơ thập nhật thích Dục Thúy sơn”. Bài này là một tình cảnh đặc biệt: Năm trước ông có đi hộ tòng lên núi Dục Thúy, có đề thơ ở đây, nay đưa quan tài vợ về ngang, nhìn lên núi, nhớ rằng năm trước đi lên núi tuy không đi cùng vợ nhưng lúc đó mình là người có vợ, nay mình về ngang núi này, là đi cùng với vợ chung một chuyến thuyền nhưng lại là người không vợ. Tình cảnh éo le ấy làm bật ra trong ông một ý thơ ở cặp thực: Tiền độ độc hành nhưng hữu phụ/ Kim phiên giai phản khước vô thê.

Phải là người nặng tình với vợ và lâm vào tình cảnh như vậy, mới “chiếm” được hai câu thơ thần tình như thế.

Nay bèn hỗn dịch bài thơ ấy một phen:

Nguyên văn:

Bia mộ Phạm Nguyễn Du có dòng chữ”Thạch Động hoàng giáp Phạm tướng công mộ bi” – Ảnh: http://vietlandmarks.com

重來忽想舊臨題

青碧依然客眼迷

前度獨行仍有婦

今番偕返卻無妻

似渠水石長相守

嗟我因緣斷不齊

操筆徘徊頻拭淚

數聲飛鳥夕陽西

Trùng lai hốt tưởng cựu lâm đề
Thanh bích y nhiên khách nhãn mê
Tiền độ độc hành nhưng hữu phụ
Kim phiên giai phản khước vô thê
Tự cừ thủy thạch trường tương thủ
Ta ngã nhân duyên đoạn bất tề
Thao bút bồi hồi tần thức lệ
Sổ thanh phi điểu tịch dương tê.

Hỗn dịch:

Về đây sực nhớ khách thơ chơi
Non vẫn xanh tươi mắt vẫn ngời
Năm trước đi riêng mà có vợ
Bây giờ chung chuyến hóa chồng côi
Ấp ôm sông núi còn nhau mãi
Than nỗi duyên ta đứt đoạn rồi
Nhấc bút bồi hồi tay gạt lệ
Chim trời vọng tiếng, bóng chiều trôi.

Lam Điền

Đệ thập quận, đệ thất tằng lâu,
7-10-2017

P.S. Phạm Nguyễn Du để lại nhiều thơ văn, đáng kể có Thạch Động văn sao và Thạch Động thi sao, chẳng biết trong hai tập này có tư liệu nào liên quan đến cái giai thoại Lưu Bang – Hạng Võ kia không. Nếu không, những người soạn quyển Chuyện làng văn đã chép từ đâu nhỉ?

2 bình luận (+add yours?)

  1. Nguyễn Thế Đạt
    Th12 28, 2021 @ 21:14:16

    kinh đô ở đây không phải Huế mà là Thăng Long. Núi Dục Thúy là hòn Non nước ở Ninh Bình

    Trả lời

Bình luận về bài viết này

Midori Sora

the spring drops on your eyelid

HỒ SƠ VĂN HỌC

Tìm lại di sản

Khải Đơn

Thời gian trên đường

Xứ Nẫu

Nơi gặp gỡ những người yêu xứ Nẫu

WordPress.com

WordPress.com is the best place for your personal blog or business site.