Gặp lại quyển sách từ năm 7 tuổi

Chèo bẻo đánh quạ

Sáng nay chèo bẻo từ Giao Chỉ mới vào thấu Phù Nam, hehe

Đây là quyển sách mang cả một phần trời tuổi thơ nghèo khó mà vui vẻ với chữ nghĩa của mấy chị em nhà mình hồi đó.

Quyển này ra năm 1984, mình mua ngay khi sách vừa về tới cái “Hiệu sách nhân dân huyện Bắc Bình” mà hồi bấy giờ vẫn quen gọi là tiệm sách cô Liên. hehe (À lâu quá sau cái sự cố nhà cô Liên có đến mấy người tự tử rồi cô chuyển đi biệt xứ giờ không biết cô Liên ngày ấy đã lưu lạc tận phương trời nào rồi, huhu).

Bằng một cách nào đó, thường là dành dụm từ những lần được dượng hai cho tiền, mình có ít tiền còm cõi và có dịp là ghé hiệu sách ấy. Mua sách chỉ được nhìn bìa và chọn, không đụng được đến sách, mình có lần nài nỉ cô bán cho quyển phờ ri đê rích ăng ghen, cô kiên quyết không bán, còn quay sang nói với mấy người bạn cô đang ngồi đó rằng: thằng này nhỏ xíu mà cứ đòi đọc sách người lớn.

Thấy hình vẽ trên bìa quyển Chèo bẻo đánh quạ sanh động quá, mình mua ngay. Về đọc thì hóa ra là một bài thơ dài. Lúc đó mình học chừng lớp 2, chưa biết vè là gì, thấy cuối bài có ghi (mà đến nay mình vẫn thuộc lòng): “ghi theo lời kể của cụ Đoàn Văn Tưởng, thôn Đông Sấu, xã Liễu Đôi, huyện Kim Thanh, Hà Nam Ninh“. Dù không biết cái xứ Hà Nam Ninh ở đâu cũng như ông Tưởng là ai, nhưng câu chuyện chèo bẻo đánh quạ này hay, đọc đi đọc lại, thuộc luôn.

Nhớ lúc vừa mua được quyển này, thì thầy Quảng Hiện từ trong nam ra ghé nhà, thầy cầm xem và cười sảng khoái rất đúng kiểu của thầy, rằng: đây là chuyện mấy con chim đánh nhau, hay á.

Và rồi mấy chị em trong nhà mình đều đọc. Lúc đó dưới mình mới chỉ có đứa em gái, vậy mà nó nghe rồi thuộc, lúc đó nó mới bập bẹ đọc chữ, nhưng không hiểu sao em rất có khiếu thẩm vần thơ lục bát. Mình nhớ trong bài vè này đoạn tả con lềnh đềnh có câu “thênh thang trời rộng đất lành/ thế gian mới gọi tên anh lềnh đềnh/ to như cái thúng/ bụng nổi phềnh phềnh/ đố ai bằng kiếp lênh đênh lão này“, thì em mình một hôm bỗng góp ý, chỗ đó câu thơ không đúng vần, lẽ ra nên là “to như thúng, bụng nổi phềnh/ đố ai bằng kiếp lênh đênh lão này”. Mình nghe vậy thấy cũng có lý, nhưng với một đứa em có lời nhận định như vậy mình chẳng mấy để ý. Nhưng không hiểu sao bố mình khi nghe được chi tiết đó thì rất hoan hỷ, ông đánh giá cao sáng kiến góp ý của em gái mình. Theo ông, việc trong một bài vè đã xuất bản nhưng vẫn còn có câu chưa hay để đến như nhỏ em mình sửa được vậy, là chuyện lạ. Mình còn nhớ trong câu chuyện với ông bạn nào đó đến nhà, bố mình có khoe chuyện em mình sửa cái câu ấy, Và ông nhận định về em bằng một ý, rằng sau này có thể làm trợ bút bản đài. Mình lúc đó đương nhiên không biết 4 chữ “trợ bút bản đài” là gì, nhưng việc bố mình đánh giá cao em gái như vậy làm mình nghĩ cái câu chỗ ấy nên sửa, bèn lấy bút bi ghi ra lề trang: “to như thúng, bụng nổi phềnh” thay cho câu trong bản in. Tiếc là sau đó ít lâu bao nhiều biến cố xảy ra làm cái quyển Chèo bẻo đánh quạ của mình tơi tả hay thất tán đâu mất, nên giờ không còn có dịp thấy cái cái dòng bút bi ông anh ghi ý sửa của con em kia nữa. hehe

Thế rồi dọc đường gió bụi mình có ý tìm xem nhưng chẳng gặp được quyển sách từng mua hồi năm 7 tuổi. Cách đây ít lâu trong dịp nào đó có nhắc đến tác phẩm Chèo bẻo đánh quạ này, ý là nếu nhà Kim Đồng tái bản dòng sách này thì cũng hay quá chứ. Riêng quyển Chèo bẻo đánh quạ này không chỉ là một bài vè lý giái việc thù nhau giữa giống quạ và chèo bẻo, mà ẩn chứa trong lời văn mạch truyện còn là những ngụ ý về thế thái nhân tình và tinh thần, cách sống vân vân.

Thế rồi có hảo bằng hữu ở Giao Chỉ để bụng cái ý kia, nên khi tìm thấy thì phát bồ đề tâm gởi vào cho mình quyển sách năm xưa, tuy giấy đen và bị mọt đục, nhưng quý giá vô cùng bởi nó là hiện thân của một thời thơ trẻ khốn khó của mình, lúc bố mình còn sống và rất kỳ vọng vào những đứa con…

[9.3.2023]

#quảng_hương_tùy_bút

P.S.

Bài viết năm xưa đây, quả nhiên quyển vè này ấn tượng với mình sâu đậm quá:

Từ Đạo Hạnh và Kiều Trí Huyền hỏi đáp

Một góc Chùa Thầy ở Hà Tây – nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh kết am tu tập. Ảnh: https://vivu.net/

Đọc sách gặp cụ Từ Đạo Hạnh, vị cao tăng pháp lực lừng lẫy thời Lý ấy đến nay trước tác chỉ còn vỏn vẹn bốn bài thơ.

Trong bốn bài ấy có một bài thấy ghi là “Vấn Kiều Trí Huyền”. Xong đọc thêm một ít nữa lại gặp bài thơ của Kiều Trí Huyền đáp lại Từ Đạo Hạnh. Ồ de.

Cụ Từ Đạo Hạnh mất năm 1117, đến nay đã 905 năm. Trong ngần ấy thời gian, mà xứ này còn giữ được (dù không có bản gốc) nội dung hỏi đáp của hai cụ như vậy thì thiệt là hy hữu. Đó là chưa kể, cụ Kiều Trí Huyền là ai, năm sanh năm mất thế nào cũng không biết luôn, người soạn sách thấy hai bài hỏi đáp thì đoán định là cụ Huyền sống cùng thời cụ Hạnh, vậy thôi. Thật rất huhu!

Tuy nhiên vì hai bài hỏi đáp này đều là ý thiền, nên bèn hỗn dịch một phen:

=Vấn Kiều Trí Huyền=

Cửu hỗn phàm trần vị thức câm

Bất tri hà xứ thị chân tâm

Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện

Liễu kiến như như khổ đoạn tầm.

問喬智玄

久混凡塵未識金

不知何處是真心

願垂指的開方便

了見如如苦斷尋。

Hỗn dịch:

[Hỏi Kiều Trí Huyền

Đãi cát lâu nay chửa thấy vàng

Chân tâm nào biết dọc hay ngang

Mong ngài cúi chỉ cho manh mối

Đặng thấy như như khỏi lộn làng.]

=Đáp Từ Đạo Hạnh chân tâm chi vấn=

Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm

Cá trung mãn mục lộ thiền tâm

Hà sa cảnh thị bồ đề đạo

Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm.

答徐道行真心之問

玉里秘聲演妙音

個中滿目露禪心

河沙境是菩提道

擬向菩提隔萬尋。

Hỗn dịch:

[Tiếng ngọc vốn nằm trong khối ngọc

Tâm thiền cũng vậy có nơi nơi

Bao nhiêu cảnh ấy bồ đề cả

Toan đến bồ đề mới cách vời.]

[Đề Ngạn, 20.9.2022]

Phước đức khác công đức

Chiếc khánh có dòng chữ Tào Khê Nam Hoa tự. Nguồn ảnh: https://phatgiao.org.vn/

Trong Pháp bảo đàn kinh, phẩm Giải quyết nghi hoặc có đoạn Vi thứ sử hỏi Lục tổ về chuyện tổ Bồ Đề Đạt Ma từng bảo Lương Võ Đế bao năm cất chùa tạo tượng bố thí chư tăng là “không có công đức gì cả”.

Lục tổ khẳng định: “Thật không công đức, chớ nghi ngờ lời của thánh nhân xưa”. Sau đó Lục tổ giảng thêm sở dĩ vậy là vì Lương Võ Đế lúc làm các việc tốt đẹp kia nhưng với tâm tà, không biết chánh pháp, chỉ làm với tâm cầu phước chứ không phải công đức. “Không thể đem phước mà bảo là công đức”, Lục tổ nói với Vi thứ sử.

Ở đoạn sau giảng cho đại chúng, Lục tổ nhắc lại: “Vì phước đức và công đức khác nhau. Võ đế không biết chơn lý, chứ không phải tổ sư chúng ta nói sai”.

Như vậy, rất có thể từ bấy đến nay còn không ít người nhận lầm phước đức là công đức. Tất nhiên tu phước cũng là hay rồi, ra sức làm thiện để kiếm chút phước đức còn hơn là làm ác để đọa vào chỗ xấu chớ.

Nhưng tu thì không phải vậy, vì tu là giải thoát. Giải là cởi ra, thoát là hết bị ràng buộc.

Cởi cái gì ra? Cái gì ràng buộc?

Câu trả lời thuộc về thế giới tướng. Người đời bị phiền não trói buộc. Phiền não do nghiệp xấu từ trước ứng thành quả xấu hiện hành. Cởi là cởi cái nghiệp xấu ấy, không để bị trói buộc nữa. Thoát là không còn bị nghiệp xấu ràng buộc nữa.

Người không tu, tâm còn tham sân si kiêu mạn vân vân, sẽ dẫn đến hành động xấu, tạo thành nghiệp xấu trói buộc lẩn quẩn trong luân hồi.

Người tu phước không trừ bỏ tham sân si kiêu mạn vân vân, mà khởi tâm làm thiện để cầu được quả tốt. Tu như vậy sẽ được nghiệp thiện trói buộc lẩn quẩn trong luân hồi.

Cổ nhân lấy thí dụ nghiệp xấu như xiềng xích bằng gai sắt, nghiệp thiện như xiềng xích bằng dây vàng. Rốt cuộc người bị trói vẫn còn bị trói.

Bị trói bằng xích sắt và bị trói bằng xích vàng, thì vật trói khác nhau mà tình trạng bị trói vẫn như nhau.

Nhưng chúng sanh chưa vội nghĩ sâu, lòng tham thấy đổi được xích sắt sang xích vàng là hay rồi.

Nhưng Nho gia như Nguyễn Công Trứ còn nhận thấy rằng “Dù ai ruộng sâu trâu nái đụn lúa kho vàng cũng bất quá thủ tài chi lỗ”, thế mà lắm người tự nhận mình tu theo Phật, lại chỉ một lòng cầu sao cho được phước, thấy kiếp này có phận giữ tiền thì quên mất đâu là chánh pháp đâu là công đức. Chẳng đáng tiếc hay sao?

Thế còn công đức thì nhận biết thế nào?

Cái này Lục tổ có giảng một đoạn, rõ ràng giản dị. Trong đó có một ý thế này: “Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức. Thiện tri thức! Công đức thì cốt thấy trong tự tánh, không phải tìm cầu nơi việc bố thí cúng dường”.

Nói vậy nhưng là việc khó. Ai có hiểu không?

[Đề Ngạn, đêm 18.9.2022]

Đã biết võ bay mà còn xài dao phay chém lén

Ảnh: baolamdong.vn

[Năm ngoái phong thành đọc fb anh Bình nhớ chuyện này. Nay dẫn lại mà không được, bèn copy lại đây.]

Là chuyện hồi nhỏ mình chứng kiến.

Có một ông tánh tình hung hăng, ưa gây sự với xóm giềng, lại muốn học thêm võ nghệ. Ông nọ tin rằng nếu có thêm chút võ nghệ, thì xóm giềng sẽ sợ y hơn (mặc dù xung quanh bấy nay đã ngán cái cách sống của y lắm rồi).

Đó cũng là lý do ông đó hay lui tới nhà ông thầy võ, nói chuyện và lần nào câu chuyện cũng quanh về chỗ xin ông thầy võ chỉ cho vài miếng, lấy cớ là trước kia có học một ít rồi mà chưa tới đâu nay muốn thọ giáo thêm, vân vân.

Ông thầy võ lần nào cũng cười, tìm cách dẫn câu chuyện quanh đi hướng khác.

Biết ông thầy khó, mà ông thầy võ nào chả khó, ông kia vẫn kiên trì kết giao, lui tới lúc rảnh rỗi nói chuyện kì kèo hoài. Ông thầy võ vẫn cứ cười cười, ngồi uống trà và hễ câu chuyện quanh về chỗ “xin học thêm mấy thế”, là ông khéo léo dẫn cuộc nói chuyện sang hướng khác, ngọt xớt.

Ông thầy võ thì ung dung, ông kia lúc đầu biết vậy thì kiên nhẫn, nhưng ngày qua tháng lại thấy ông thầy võ cứ né kiểu đó hoài, đến một hôm hóa ra chính y mất kiên nhẫn.

Lần đó ông thầy võ lại khéo léo từ chối, bằng cách chuyển hướng câu chuyện như thường lệ. Nhưng ông nọ không còn giữ vẻ bình thản được nữa, mới nói thẳng với ông thầy võ:

– Thầy nè, coi chừng chớ có giỏi đến đâu cũng không bằng cái câu người ta nói: Dù có võ bay cũng không bằng dao phay chém lén, đó nghen.

Thì ra ông nọ vẫn lộ cái tâm xấu, đến nước cùng lại đi hăm dọa người ta. Thế rồi ông thầy võ nghe vậy cũng vẫn cười cười như mọi lần, trả lời rằng:

– Vậy chớ cái người đã có võ bay mà nó còn xài dao phay chém lén thì có phải coi chừng không?

Ông kia tiu nghỉu đi về. Quả nhiên từ đó không lui tới nhà ông thầy võ nữa.

>>> Thực ra cũng như chuyện nhổ toẹt vào mặt nhau á mà, làm cái đó dễ như chém lén thôi. Cái khó là làm thầy võ, và khó hơn nữa là đừng quên thầy võ cũng biết chém lén. Há há

[Sài Gòn ngày phong thành thứ 69,

14.9.2021]

Gặp bài kệ của cụ Hương Nghiêm Trí Nhàn,

Nhất kích vong sở tri
Cánh bất giả tu trì
Động dung dương cổ lộ
Bất đoạ tiễu nhiên ky
Xứ xứ vô tung tích
Thanh sắc ngoại uy nghi
Chư phương đạt đạo giả
Hàm ngôn thượng thượng ky.

Bài kệ này gắn với thiền thoại của ngài Trí Nhàn. Ấy là khi còn tu học với ngài Quy Sơn một hôm Quy Sơn hỏi Trí Nhàn một câu công án, đại khái hồi cha mẹ ông chưa sanh ra thì ông là cái gì vậy?

Trí Nhàn về suy nghĩ tìm câu trả lời, tìm trong sách vở khắp hết chẳng thấy. Bèn nói: bánh vẽ ăn chẳng được no. Rồi đem đốt hết sách. Đến xin Quy Sơn giải đáp, Quy Sơn bảo: tui giải đáp cho ông thì dễ òm, vấn đề là ông tự tìm câu trả lời mới là câu của ông chớ.

Ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn bèn bỏ đi chỗ khác, kết am tu riêng. Tự cày cuốc trồng trọt sống qua ngày chờ qua đời. Một hôm cuốc đất trúng phải cục đá văng lên va vào gốc cây đánh bộp một phát, tự dưng ngài trả lời được câu hỏi của Quy Sơn. Bấy giờ Trí Nhàn buông cuốc hướng về ngôi chùa của Quy Sơn mà lạy, thầm bảo rằng: Đúng là hồi xưa ngài không trả lời cho tui thì nay tui mới có được cái biết này. Xong [có lẽ nhân đó mà] ngài làm bài kệ trên đây. hehe

[Quảng Hương, 18.9.2022]

Trướng vọng Hồ Châu

Chép lại bài thơ của thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên, bài thơ hay, năm ngoái lúc sắp hết phong thành có dịch thành hai bản một hỗn một tạm. Nay repost.

Trướng vọng Hồ Châu vị cảm quy,
Cố viên dương liễu dục y y.
Nhẫn khan quốc phá tiên ly tục,
Đản đạo thân tồn tiện phản phi.
Vạn lý phiêu bồng song bố lý,
Thập niên hồi thủ nhất tăng y.
Bi hoan thoại tận hàn sơn tại,
Tàn tuyết cô phong ánh vãn huy.

Hỗn dịch:

Ngóng vọi Hồ Châu chửa dám về,
Vườn xưa dương liễu vẫn mê mê.
Nước toang thấy trước nên rời tục
Nhà gượng còn sau sẽ trở quê.
Vạn dặm dép giày coi chấp chới,
Mười năm y áo ngó lê thê.
Vui buồn nói hết còn non lạnh,
Tuyết rã chiều buông đỉnh tái tê.

Tạm dịch:

Hồ Châu ngóng vọi dám về ư,
Vườn cũ hình như liễu vẫn như.
Đã thấy nước toang đành lánh tục,
Kể gì gia quyến chuyện riêng tư.
Phiêu bồng muôn dặm đôi giày vải,
Ngoảnh lại mười năm một áo sư
Nói hết buồn vui còn núi lạnh,
Đỉnh sầu tuyết rã ánh chiều dư.

[Sài Gòn, 11.9.2022]

Mực tím, chiếc áo dài của bạn và bàn chân của mình

Ảnh lớp mình năm 11 – là thời điểm chân bị nhỏ mực và áo dài bị rảy mực, huhu

Hôm nay Hong Ngoc vào comment qua lại nhắc đến chuyện bạn bè. Sực nhớ cách đây ít lâu, cũng trong một lần comment qua lại giữa mình với em Đông Phương và bạn Minh Thư, làm lộ ra một sự hiểu lầm hơn một phần tư thế kỷ mình mới được biết. Mà cũng là chuyện vui thôi.

Câu chuyện vào năm lớp 11, mình với Trung bầu ngồi chung bàn, Minh Thư ngồi phía trước cách một bàn. Mình chân dài nên khi duỗi thẳng ra là vừa đến chỗ của Thư. Có vẻ Thư không thích sự hiện diện của việc duỗi chân đó, nên thường lấy bút len lén nhỏ mực lên bàn chân mình mỗi khi mình mỏi chân duỗi thẳng ra. Lúc đầu mình không để ý, nhưng nhiều lần như vậy, mình có suy nghĩ hay là Thư không thích cách đùa giỡn khi đó mình hay gọi Thư là “má con gái” – giống như người miền Nam gọi “má sắp nhỏ” vậy. Vì kỳ thực thì mình với Minh Thư chỉ có đùa giỡn như vậy là “hơi nặng” thôi, ngoài ra không có gì quá đáng để Thư cứ nhỏ mực xuống bàn chân mình hoài như vậy. Có điều khi đó mình vốn từ dưới ruộng bước lên đi học, học xong về bước xuống ruộng tiếp, đôi bàn chân đen đúa, mang đôi dép lào đứt quai buộc cọng kẽm nữa, nên vài ba giọt mực tím của bạn Thư nhỏ vào chỗ đó cũng như không, gọi là KHHGĐ (không hề hấn gì đâu). Hehe

Chuyện chỉ vậy thôi, ít lâu sau lên 12, chỗ ngồi đổi khác, mình không còn hứng chịu vụ nhỏ mực xuống chân nữa mặc dù thỉnh thoảng vẫn đùa giỡn gọi Thư là “má con gái”.

Ấy thế mà đến mãi gần đây, trong dịp nào đó comment qua lại với em Đông Phương, em nhắc chuyện hồi cấp 3 em trọ học chung với Minh Thư, và em nghe nhắc tên anh Điền toàn là trong những lần chị Thư về nhà giặt áo dài và lầm bầm chửi rủa. Mình ngạc nhiên quá hỏi, ủa sao vậy. Em nói vì chị Thư đi học bị anh rảy [vẩy] mực vào sau áo, bữa nào về cũng giặt muốn chết vì áo dài trắng mà. Lúc đó Minh Thư cũng vào comment xác nhận, nhắc lại chuyện xưa và nói rằng hồi đó vì ghét mình rảy mực dơ áo dài nên Thư “trả thù” bằng cách nhỏ mực xuống chân mình cho… đỡ tức.

Đến lúc đó thì mình mới vỡ lẽ, hóa ra lý do mình bị nhỏ mực là vậy. Nhưng mình có bao giờ rảy mực vào áo dài của Minh Thư đâu. Có điều, sau hơn 25 năm, mình mới biết để nói ra câu ấy. Chứ hồi bị nhỏ mực ướt chân cứ nghĩ do Thư không thích mình gọi đùa hoặc đơn giản là không thích mình duỗi chân lên dưới ghế chỗ Thư, vậy thôi.

Hình như lúc comment qua lại như vậy, nghe mình nói mình không hề rảy mực vào áo dài của Thư, thì Thư cũng không tin mấy. Vì cứ theo cách của em Đông Phương ghi nhận thì việc Thư bị rảy mực dơ áo dài lặp đi lặp lại nhiều lần, là chuyện không chỉ bực bội mà còn gieo vào lòng Thư gần như là sự căm ghét á chớ. Haizzz

Khi nghe ra cớ sự như vậy, và cảm nhận với câu nói: “Ủa, mình đâu có bao giờ rảy mực vào áo dài của Thư”, dường như không được tin tưởng lắm. Mình có nói thêm một ý, thế này: Hồi đi học nhà tui nghèo lắm, tui không bao giờ có ý làm phương hại đến đồ đạc của bạn nào đâu.

Mình không biết hôm đó Minh Thư có để ý cái ý đó không. Nhưng với mình, đó là một sự thật có tính nguyên tắc.

Thực ra cái ý thức không làm hư hỏng đồ người khác hình thành từ rất sớm ở mình thông qua việc má mình lưu ý rằng đừng có đùa giỡn hay gì mà làm hư hỏng đồ đạc của người ta lỡ họ bắt đền thì nhà mình không đền nổi đâu. Nhưng nó trở thành nguyên tắc là vào năm lớp 7. Lần đó có một thằng bạn cùng khối nhưng nhà ở khu 3 tức khác thôn với mình. Một buổi nọ nó chạy chiếc xe đạp mới toanh sáng chói vào sân trường. Cả đám xúm lại trầm trồ. Chiếc xe bóng loáng đúng nghĩa. Các bộ phận có đầy đủ đến mức có nhiều thứ mình chưa biết gọi bằng tên gì. Chỉ nhớ nó có cả đèn trước đèn sau, có chuông bấm reng reng, gạc đờ bu hai cái sáng choang, căm xe cũng long lanh có xâu chiếc vòng lông giữa cốt đùm để quét bụi… Trong đám bạn nhiều đứa tỏ ra thích thú trước chiếc xe, thằng bạn chống chân đứng giữa đám đông ra chiều hãnh diện lắm. Nhưng khác với mấy đứa kia, khi mình đưa tay định chạm vào bộ phận nào đó, hình như là định bật thử cái bình điện sát cạnh bánh xe, thì thằng bạn chủ xe hất tay mình ra, nói rằng: đừng có phá lỡ hư mày không có tiền đền đâu.

À ha, ủa mà sao thằng này nó nói y như má mình ở nhà vậy. Đúng quá còn gì. Mình thấy cũng bình thường, cũng đứng dòm xem ít phút nữa thì tan hàng, vào lớp.

Nhưng câu nói đó của thằng bạn, nó góp thêm vào cái ý của má, làm thành một nguyên tắc riêng cho mình: Tránh xớ rớ đụng chạm đồ đạc cá nhân của bạn bè, lỡ rủi bị hư hỏng thì phiền thiệt chớ chẳng chơi. Nhất là cùng với thời gian, lớn lên, thằng bạn kia vào cấp 3 lại học chung lớp mình. Tất nhiên anh em vui vẻ thân thiện cả, có khi nó cũng không còn nhớ câu nói quan trọng hồi lớp 7, nhưng với mình nó góp phần trở thành một nguyên tắc sống.

Vì lẽ đó, đời nào mình lại đem mực đi rảy lên áo dài của Minh Thư – một người bạn hiền lành dễ thương mà mình chỉ đứng xa xa để nhìn và cùng lắm là kêu người ta bằng cụm từ “má con gái” rồi cười xòa cho qua chuyện.

Nhưng rốt cuộc thì mình đã chịu chửi thay cho ai trong ngần ấy thời gian? Cái này đành chịu. haizzz

[Đề Ngạn, 4.9.2022]

>>>

Hoàn hồn

Hoàn nốt xong chưa liệu lấy hồn
Dè chừng bán dại ngại mua khôn
Trầm qua nẻo mới luân hồi trước
Nôn nả sông trôi lặng lẽ cồn,

P.S. bảy bốn hai tám,

Hẹn bạn

(tặng em Đông Phương)

Nghe tiếng vọng từ quê nhà muôn thuở
Nắng Sài Gòn say tỉnh giấc Lương Sơn
Đời gió bụi sống luồn bao hẻm chợ
Để sông hồ ký thuật mấy nguồn cơn,

Trong ánh mắt ẩn tàng bao nghiệp trước
Nên cơ đồ ngưng tụ với hai tay
Màu quang lộ mở ra còn gói được
Chỉ kim nào khâu kết những cơ may,

Qua biến động mới hay chừng tản lạc
Giữa ba sinh quyến thuộc ấm thân bằng
Trong tro lửa vàng thau đau vụn cát
Nhận ra gì nơi lóe chớp sao băng,

Nhưng quê cũ vẫn chân tình rơm rạ
Món bầu khô thơm thảo cả mùa chay
Trời tứ xứ gọi mây về thong thả
Quyện hương lòng ủ lấy ngụm men say,

Ôi nhớ lắm những ân tình cố thổ
Những cung đường qua núi đất sau mưa
Thầy trò gặp tránh giùm nhau tiếng khổ
Trắng lòng tay nắm níu mấy cho vừa,

Nơi góc biển nhớ chân trời thơ dại
Để dành nhau cơn lốc cuộn qua đầu
Bờ bụi cũ bầy ong còn trở lại
Giấu mật vàng trong khuất dạng thâm sâu,

Hình như có tiếng ai về đất cũ
Giọng quê mình không lẫn giữa bôn ba
Bè bạn gọi tâm sự nào cho đủ
Mắt nhìn nhau bao quát cả quê nhà,

Ai còn nhớ một buổi về đã muộn
Nước qua cầu vang vỡ tiếng thơ bay
Câu chữ nọ gieo vào nơi rẫy ruộng
Có nảy mầm trong muôn một xưa nay?

Về bạn nhé! Trời quê hong nắng mới
Mặc bốn phương giông gió dựng tao phùng
Mặc sông cũ lũ tràn qua bến đợi
Thì nghĩa tình đâu khái niệm riêng chung,

[Sài Gòn, chiều 14.8.2022]

Ảnh năm 2016: nhìn hình cũ nhớ chuyến đi với các lộ anh hùng, hehe

Đại tự điển Hán Việt của Trần Văn Chánh

Từ ngày quen biết lão ka Trần Văn Chánh, tức hơn 20 năm trước rồi, đã nghe ông ngấp nghé soạn bộ từ điển Hán ngữ “gì đó to lắm”. Anh em bạn bè đều biết dự án này, kháo nhau như vậy.

Mình thì tin chắc là to, bởi cứ xem quyển Từ điển Hán ngữ cũng do Trần Văn Chánh soạn ấn hành từ lâu lắc rồi đã thấy dày vãi.

Càng ngày, à không, càng năm, sự hình dung độ to của bộ từ điển Hán ấy càng tượng hình rõ hơn trong anh em. Là vì mãi vẫn chưa thấy xong. hehe

Cái sự soạn từ điển nhiêu khê ra sao chắc ai làm nấy biết. Nhưng trải ngót hai mươi năm cho đến một ngày gần đây nghe ông thông báo: xong rồi, bộ tự điển đã chuyển đi in, thì bằng hữu giang hồ ai cũng thở phào phào phào mấy lượt. hehe

Hôm rồi in xong, sách nóng hổi quét nhũ ba cạnh trên giấy bible, ông được phần mấy quyển, gọi ngay cho hay. Mình cầm khúc rượu chạy đến uống mừng chuyện chữ nghĩa kỳ cạch mãi cũng đến ngày thành tựu.

Rượu vào cầm sách lên, mới biết cái quyển đồ sộ đây gọi là “Đại tự điển Hán Việt”, tức cũng chỉ mới là phần rút gọn, “Từ điển” rút gọn thành “Tự điển” in trước. Gọn, nhưng là 1918 trang khổ to 20,5x29cm nha nha,

Và vì là tự điển, nên ở quyển này tập hợp chừng 12.000 mục từ đơn. Các chữ đều có chú thích phiên thiết, cái này làm mình khoan khoái nhất và cũng là nét riêng của công trình này mà trộm nghĩ chỉ có lão ka Trần Văn Chánh mới kỳ công kỹ lưỡng vậy.

Quyển này còn có cái phụ lục “Tiểu tự điển bằng hình”, giới thiệu các loài chim thú cỏ cây cùng với tên chữ của nó, thật là khoái hoạt mà bổ ích.

Ngồi giở xem quyển tự điển, uống mấy ngụm rượu, nghe tác giả trầm ngâm nhẩm tính: mình làm lâu quá, hồi soạn sách còn bà xã, nay vợ đã mất, biết bao dòng nước chảy qua cầu…

Tự nhiên thấy bùi ngùi, chuyện chữ nghĩa nặng nề theo nhiều nghĩa. Biết nói làm sao.

[25.7.2022]

Previous Older Entries

Midori Sora

the spring drops on your eyelid

HỒ SƠ VĂN HỌC

Tìm lại di sản

Khải Đơn

Thời gian trên đường

Xứ Nẫu

Nơi gặp gỡ những người yêu xứ Nẫu

WordPress.com

WordPress.com is the best place for your personal blog or business site.