Mực tím, chiếc áo dài của bạn và bàn chân của mình

Ảnh lớp mình năm 11 – là thời điểm chân bị nhỏ mực và áo dài bị rảy mực, huhu

Hôm nay Hong Ngoc vào comment qua lại nhắc đến chuyện bạn bè. Sực nhớ cách đây ít lâu, cũng trong một lần comment qua lại giữa mình với em Đông Phương và bạn Minh Thư, làm lộ ra một sự hiểu lầm hơn một phần tư thế kỷ mình mới được biết. Mà cũng là chuyện vui thôi.

Câu chuyện vào năm lớp 11, mình với Trung bầu ngồi chung bàn, Minh Thư ngồi phía trước cách một bàn. Mình chân dài nên khi duỗi thẳng ra là vừa đến chỗ của Thư. Có vẻ Thư không thích sự hiện diện của việc duỗi chân đó, nên thường lấy bút len lén nhỏ mực lên bàn chân mình mỗi khi mình mỏi chân duỗi thẳng ra. Lúc đầu mình không để ý, nhưng nhiều lần như vậy, mình có suy nghĩ hay là Thư không thích cách đùa giỡn khi đó mình hay gọi Thư là “má con gái” – giống như người miền Nam gọi “má sắp nhỏ” vậy. Vì kỳ thực thì mình với Minh Thư chỉ có đùa giỡn như vậy là “hơi nặng” thôi, ngoài ra không có gì quá đáng để Thư cứ nhỏ mực xuống bàn chân mình hoài như vậy. Có điều khi đó mình vốn từ dưới ruộng bước lên đi học, học xong về bước xuống ruộng tiếp, đôi bàn chân đen đúa, mang đôi dép lào đứt quai buộc cọng kẽm nữa, nên vài ba giọt mực tím của bạn Thư nhỏ vào chỗ đó cũng như không, gọi là KHHGĐ (không hề hấn gì đâu). Hehe

Chuyện chỉ vậy thôi, ít lâu sau lên 12, chỗ ngồi đổi khác, mình không còn hứng chịu vụ nhỏ mực xuống chân nữa mặc dù thỉnh thoảng vẫn đùa giỡn gọi Thư là “má con gái”.

Ấy thế mà đến mãi gần đây, trong dịp nào đó comment qua lại với em Đông Phương, em nhắc chuyện hồi cấp 3 em trọ học chung với Minh Thư, và em nghe nhắc tên anh Điền toàn là trong những lần chị Thư về nhà giặt áo dài và lầm bầm chửi rủa. Mình ngạc nhiên quá hỏi, ủa sao vậy. Em nói vì chị Thư đi học bị anh rảy [vẩy] mực vào sau áo, bữa nào về cũng giặt muốn chết vì áo dài trắng mà. Lúc đó Minh Thư cũng vào comment xác nhận, nhắc lại chuyện xưa và nói rằng hồi đó vì ghét mình rảy mực dơ áo dài nên Thư “trả thù” bằng cách nhỏ mực xuống chân mình cho… đỡ tức.

Đến lúc đó thì mình mới vỡ lẽ, hóa ra lý do mình bị nhỏ mực là vậy. Nhưng mình có bao giờ rảy mực vào áo dài của Minh Thư đâu. Có điều, sau hơn 25 năm, mình mới biết để nói ra câu ấy. Chứ hồi bị nhỏ mực ướt chân cứ nghĩ do Thư không thích mình gọi đùa hoặc đơn giản là không thích mình duỗi chân lên dưới ghế chỗ Thư, vậy thôi.

Hình như lúc comment qua lại như vậy, nghe mình nói mình không hề rảy mực vào áo dài của Thư, thì Thư cũng không tin mấy. Vì cứ theo cách của em Đông Phương ghi nhận thì việc Thư bị rảy mực dơ áo dài lặp đi lặp lại nhiều lần, là chuyện không chỉ bực bội mà còn gieo vào lòng Thư gần như là sự căm ghét á chớ. Haizzz

Khi nghe ra cớ sự như vậy, và cảm nhận với câu nói: “Ủa, mình đâu có bao giờ rảy mực vào áo dài của Thư”, dường như không được tin tưởng lắm. Mình có nói thêm một ý, thế này: Hồi đi học nhà tui nghèo lắm, tui không bao giờ có ý làm phương hại đến đồ đạc của bạn nào đâu.

Mình không biết hôm đó Minh Thư có để ý cái ý đó không. Nhưng với mình, đó là một sự thật có tính nguyên tắc.

Thực ra cái ý thức không làm hư hỏng đồ người khác hình thành từ rất sớm ở mình thông qua việc má mình lưu ý rằng đừng có đùa giỡn hay gì mà làm hư hỏng đồ đạc của người ta lỡ họ bắt đền thì nhà mình không đền nổi đâu. Nhưng nó trở thành nguyên tắc là vào năm lớp 7. Lần đó có một thằng bạn cùng khối nhưng nhà ở khu 3 tức khác thôn với mình. Một buổi nọ nó chạy chiếc xe đạp mới toanh sáng chói vào sân trường. Cả đám xúm lại trầm trồ. Chiếc xe bóng loáng đúng nghĩa. Các bộ phận có đầy đủ đến mức có nhiều thứ mình chưa biết gọi bằng tên gì. Chỉ nhớ nó có cả đèn trước đèn sau, có chuông bấm reng reng, gạc đờ bu hai cái sáng choang, căm xe cũng long lanh có xâu chiếc vòng lông giữa cốt đùm để quét bụi… Trong đám bạn nhiều đứa tỏ ra thích thú trước chiếc xe, thằng bạn chống chân đứng giữa đám đông ra chiều hãnh diện lắm. Nhưng khác với mấy đứa kia, khi mình đưa tay định chạm vào bộ phận nào đó, hình như là định bật thử cái bình điện sát cạnh bánh xe, thì thằng bạn chủ xe hất tay mình ra, nói rằng: đừng có phá lỡ hư mày không có tiền đền đâu.

À ha, ủa mà sao thằng này nó nói y như má mình ở nhà vậy. Đúng quá còn gì. Mình thấy cũng bình thường, cũng đứng dòm xem ít phút nữa thì tan hàng, vào lớp.

Nhưng câu nói đó của thằng bạn, nó góp thêm vào cái ý của má, làm thành một nguyên tắc riêng cho mình: Tránh xớ rớ đụng chạm đồ đạc cá nhân của bạn bè, lỡ rủi bị hư hỏng thì phiền thiệt chớ chẳng chơi. Nhất là cùng với thời gian, lớn lên, thằng bạn kia vào cấp 3 lại học chung lớp mình. Tất nhiên anh em vui vẻ thân thiện cả, có khi nó cũng không còn nhớ câu nói quan trọng hồi lớp 7, nhưng với mình nó góp phần trở thành một nguyên tắc sống.

Vì lẽ đó, đời nào mình lại đem mực đi rảy lên áo dài của Minh Thư – một người bạn hiền lành dễ thương mà mình chỉ đứng xa xa để nhìn và cùng lắm là kêu người ta bằng cụm từ “má con gái” rồi cười xòa cho qua chuyện.

Nhưng rốt cuộc thì mình đã chịu chửi thay cho ai trong ngần ấy thời gian? Cái này đành chịu. haizzz

[Đề Ngạn, 4.9.2022]

>>>

Bình luận về bài viết này

Midori Sora

the spring drops on your eyelid

HỒ SƠ VĂN HỌC

Tìm lại di sản

Khải Đơn

Thời gian trên đường

Xứ Nẫu

Nơi gặp gỡ những người yêu xứ Nẫu

WordPress.com

WordPress.com is the best place for your personal blog or business site.